Những ngày đầu tháng Sáu, mưa lê thê kéo dài không dứt, người người hối hả trú những trận mưa bất chợt, trời đen kịt, con đường phố thị vắng vẻ đến lạ lùng.
Đã là lần thứ hai tôi đón mùa mưa tháng Sáu như thế, tháng Sáu của tiếng ve sầu, tháng Sáu của mùa hoa phượng. Như một điều hiển nhiên, mùa hè hằng năm đã đến, mùa của những cô cậu học sinh hồi hộp chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia chưa đầy hai mươi ngày nữa. Tôi của ngày ấy, đã từng thức trắng đêm ôn bài, căng thẳng từng buổi học và cơn mệt mỏi kéo dài những ngày dài ôn thi cả sáng lẫn chiều. Tưởng chừng như đó là mệt nhất rồi, nhưng không… thứ làm sinh viên chúng tôi luôn đau đầu là nên chọn ngành gì và trường nào cho thích hợp. Tôi đã từng viết hỏng cả chục bộ hồ sơ chỉ để chọn cho mình ngôi trường yêu thích.
Tôi đã do dự rất lâu và có lẽ đó là khoảng thời gian tôi bắt buộc phải chọn lựa cho tương lai trưởng thành của mình. Và rồi, tôi đã chọn nguyện vọng đầu tiên là ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học An Giang – ngôi trường đang và sẽ chứng kiến bốn năm thanh xuân của tôi.
Ngày tôi nhận giấy báo nhập học, sân trường vẫn chưa đông đúc sinh viên, có lẽ do đang hè và có lẽ do sân trường quá rộng và lòng tôi thì đầy ngổn ngang tâm trạng nên dù người có đông nhưng vẫn chưa đủ để lấp đầy trong mắt tôi.
Đêm đầu tiên xa nhà, tôi như bao cô gái lần đầu rời xa hơi ấm gia đình, tôi thức trắng và nhớ những khoảng thời gian quý giá bên gia đình, nhớ những bữa cơm thân thuộc của mẹ, nhớ những buổi chiều ngồi chuyện trò cùng cha và cả những người đã gắn bó với tôi ba năm niên thiếu ngày ấy. Từng gương mặt, từng hình ảnh như một đoạn phim tái hiện những cử chỉ, những câu nói một cách chân thật nhất. Tôi còn nhớ, hôm sau là ngày nhập học tuần lễ sinh hoạt công dân, sau một đêm mất ngủ, mắt tôi đầy quầng thâm. Tôi cố chọn cho mình chiếc áo sơmi trắng gọn gàng, chiếc quần kaki đen vừa khít và cả đôi giày vải quen thuộc để thấy bản thân vẫn như ngày nào – là cô học trò nhỏ trên lớp học phổ thông – đam mê trong tiết dạy văn, loay hoay bài tập toán và khấp khởi chờ giờ anh văn; nhưng tôi biết chắc rằng tôi sẽ mãi mãi không bao giờ được trở lại những ngày ấy nữa. Bước vào cổng trường, tôi loay hoay giữa nhóm sinh viên năm nhất non trẻ đang tìm kiếm hội trường của lớp mình, tôi phải vòng vèo mất một lúc lâu mới có thể tìm được lớp. Tôi choáng ngợp, bất ngờ trước số lượng sinh viên lớp mình, quá đông và ai cũng quá xa lạ.
Rồi dần, tôi cũng làm quen được bạn mới, cô bạn với mái tóc dài, nụ cười tươi cùng chiếc kính cận che khuất hàng mi dài và yêu thích những chiếc balo đỏm dáng. Những ngày đầu đi học, chúng tôi thường tranh thủ giờ nghỉ đi tham quan khuôn viên trường. Sân trường rộng rãi, những tòa nhà cho từng khu học cao lớn nghênh ngang ở trung tâm và cả khu hiệu bộ nữa, trông thật khang trang, đẹp đẽ. Ngôi trường xinh đẹp ấy được bao quanh bởi những rặng cây thật cao, với tán lá xòe xanh mướt, có cả sân cho các cô cậu sinh viên yêu thể thao chơi bóng chuyền và những buổi chiều tà, tôi dễ dàng bắt gặp nhiều anh chị cùng nhau chạy bộ, chơi cầu lông, đá cầu,… Khung cảnh trông thật nhộn nhịp, thân thiện và dễ dàng thắp lên trong lòng người ta cái cảm giác yêu cuộc sống, yêu con người. Nhìn cảnh ấy, một sức sống mãnh liệt nào đó nhen nhóm trong tim tôi, tôi muốn là một trong những người ấy, cống hiến và sống hết mình trong những bốn năm thanh xuân tại ngôi trường này.
Năm đầu tiên của tôi trôi qua khá êm ả, dù lúc đầu có chút khó khăn khi phải thích ứng với môi trường mới, thầy cô mới và cả những người thầy bản xứ ở cách chúng tôi nửa địa cầu. Tôi đã từng rất sợ khi nói chuyện với những người thầy bản ngữ vì tiếng Anh của tôi bấy giờ khá tệ, phát âm chưa chuẩn và cả phản ứng rất chậm. Nhưng rồi đâu lại vào đấy cả, nhờ sự nhẫn nại của thầy và những thầy cô trong Khoa, cùng với tự học ở nhà, tôi đã cải thiện các kỹ năng rất nhiều. Giờ thì tôi đã bớt ngại và mạnh dạn hơn để bắt chuyện với người nước ngoài.
Dưới ngôi trường này, tôi đã có biết bao kỷ niệm, dù không phải kỷ niệm nào cũng êm đềm, nhưng với tôi, những kỷ niệm ấy như một dấu ấn trong cuộc đời mình. Một trong những điều ấy là việc đăng ký học phần sau mỗi học kỳ, việc mà các anh chị khóa trước hay gọi là “cuộc chiến không khoan nhượng”. Chúng tôi thường hay lên sẵn một thời khóa biểu cho cả nhóm, hồi hộp canh từng phút ở cổng đăng ký học phần trực tuyến để kịp đăng ký tiết của thầy cô mình muốn. Và lần trải nghiệm đăng ký học phần đầu tiên của tôi là mình tôi lẻ bóng ở lớp khác khi cả nhóm bạn tôi đều được học chung lớp. Cảm giác lúc ấy vừa bất lực vừa buồn và cả lo lắng nữa, song sau này khi nghĩ lại, tôi lại nghĩ đó là một trải nghiệm không phải ai cũng được thử.

Bên cạnh việc học các môn chuyên ngành thì tôi còn được học thực hành quốc phòng an ninh. Tôi được học cách băn bó, tháo ráp súng, tìm hiểu cách sử dụng bản đồ quân sự và học cách đi đúng giờ, chấp hành nội quy nghiêm chỉnh. Với tôi, đó là một trải nghiệm khó quên trong bộ quần áo lính đầy tự hào. Qua những giờ học, trong tâm trí tôi, tình yêu đất nước, gia đình và mái trường mình ngày càng nhiều hơn nữa, sẵn sàng đứng lên khi đất nước gọi tên. Lớp học quốc phòng còn giúp tình bạn giữa các sinh viên chúng tôi cũng ngày càng thân thiết hơn, hiểu nhau hơn; tôi càng thêm mến mộ những người thầy – những người lính thầm lặng với trái tim ấm áp chứ không hề khô khan như mọi người từng nói.
Rồi tôi biết đến Trang báo sinh viên Trường Đại học An Giang (e-News) vào một dịp tình cờ. Tôi đã từng khao khát được viết, được truyền năng lượng và suy nghĩ của mình cho mọi người qua những con chữ, nhưng rồi những thứ ấy bị chôn vùi nhiều năm vì tôi không biết ai sẽ đăng bài viết của một cô sinh viên trẻ, ai sẽ chịu đọc những dòng văn còn lủn củn và ai sẽ sửa những sai lầm cho tôi. Cho đến khi tôi tìm thấy eNews cùng những người ngồi đọc từng dòng chữ tôi viết, chỉ cho tôi lỗi sai và cho tôi những lời khuyên cần thiết. Với tôi, những bài viết của tôi được đăng tải là một sự tự hào rất lớn, một hạnh phút bất ngờ vì đó là công sức, là những giờ làm việc bằng cả trái tim và lý trí. Tôi vừa nhận được nhuận bút cho những bài viết vào hôm trước, với tôi, đó là một món quà, một khoản lương nhỏ bằng chính công sức của mình khi bắt đầu chập chững quen với cuộc sống; vì thế nó càng đáng giá gấp bội.
Rồi ngày hội kết nối sinh viên, những buổi giao lưu của khoa, ngày hội thể thao và những ngày hội văn nghệ thường niên của Trường,… tất cả các hoạt động đều để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó phai.
Với Trường Đại học An Giang, đây là con đường đưa tôi qua những tháng năm sinh viên đầy kỷ niệm. Sắp tới, tôi sẽ trở thành sinh viên năm ba, tôi sẽ có nhiều trải nghiệm hơn nữa, nhiều mục tiêu và nhiệm vụ phải hoàn thành. Và tôi biết, cùng với những thách thức, tôi trưởng thành hơn, cứng cáp hơn để có đủ hành trang khi bước đi trên con đường không trải hoa sau này.
Với Khoa Ngoại ngữ, đây là mái nhà nhỏ của tôi, nơi tôi có bạn bè, có thầy cô – những người dù qua từng năm tháng vẫn sẽ nhớ đặc điểm của từng cô cậu sinh viên mình từng dạy. Tôi yêu từng dòng chữ con con – một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình, tôi yêu cách mọi người nói chúng và cả cách họ tiếp nhận một nền văn hóa khác. Tôi sẽ nhớ mãi những thầy cô dù chỉ gắn bó với mình trong một học kỳ nhưng lúc nào tôi cũng nhận thấy ánh mắt tự hào và vui vẻ của thầy cô dành cho những sinh viên chúng tôi khi vô tình gặp nhau trong khuôn viên trường.
Vài dòng cảm nhận của riêng mình, tôi muốn nhắn gửi đến các bạn sinh viên rằng dù các bạn có đang chán nản hay mệt mỏi, nếu đang đọc những dòng chữ của tôi hãy đứng dậy nào, hãy nhìn lại những hạnh phúc nhỏ nhất, những hi vọng, hi sinh của bố mẹ, sự tận tụy của thầy cô, tình cảm của bạn bè xung quanh và cả mục tiêu phía trước nữa. Xin đừng nản lòng vì khi bạn chọn là một sinh viên Trường Đại học An Giang thì con đường bạn rẽ đã là đúng đắn rồi, chỉ cần bạn cố gắng hơn nữa, bạn sẽ là một đốm sáng nữa trên hành tinh này.
Mỹ Dung – DH18TA