trường đại học an giang

Giải C – Bảng Viên chức: “Nghề giáo – Nghề của sự yêu thương không hạn định”

“…Sau gần mười năm công tác trong nghề giáo, tôi càng thấm thía hơn những lời dạy bảo của các thầy cô tôi ngày còn trên giảng đường dạy học: Trước khi muốn trở thành một thầy giáo giỏi hãy là một thầy giáo tốt.”

***

Đã chín năm kể từ khi tốt nghiệp, 50 thành viên của lớp tôi đã yên vị với cuộc sống và việc làm hiện tại. Cũng có người không theo đuổi nghề giáo nhưng vẫn thành đạt. Cũng có người không mang trọng trách “trồng người” cao cả nhưng vẫn sống một cuộc đời lương thiện và hữu ích. Thỉnh thoảng, đâu đó trên trang cá nhân của một vài người bạn, họ vẫn thường chia sẻ những tấm ảnh “độc nhất vô nhị” thời sinh viên. Đó là lần đi thực tế ở Huế năm 2009, lần cắm trại toàn trường vào năm cuối hay dịp thực tập ở trường phổ thông. Đối với họ, những lễ phục đến lớp, những tiếng gọi “thầy ơi”, “cô ơi” của học trò chỉ còn là câu chuyện của kí ức. Cuộc sống giờ đây mỗi người mỗi cảnh nhưng chắc chắn điều duy nhất còn sót lại để kết nối chúng tôi đó là tình yêu đối với văn chương và nghề giáo. Có thể nói, từ một sinh viên sư phạm trở thành một thầy cô giáo tốt là điều đáng trân quý. Nhưng một người chẳng thể nào còn cơ hội để đặt chân lên bục giảng mà vẫn giữ được lửa văn chương và tấm lòng đối với nghề lại càng đáng trân quý hơn. Chúng tôi, dù đi đâu về đâu, dù có ở vị trí nào trong xã hội, vẫn mãi tự hào là những cựu sinh viên Ngữ văn của Đại học An Giang.

Sau gần mười năm công tác trong nghề giáo, tôi càng thấm thía hơn những lời dạy bảo của các thầy cô tôi ngày còn trên giảng đường dạy học: Trước khi muốn trở thành một thầy giáo giỏi hãy là một thầy giáo tốt. Do vậy, yêu nghề cũng là yêu đời, văn chương cũng chính là tấm gương phản chiếu cuộc sống. Vì lẽ đó, cuộc sống của tôi và các bạn sẽ chẳng bao giờ là vô nghĩa khi chúng ta hết lòng với cuộc đời của chính mình. Mong rằng các thành viên của lớp DH7C1 sẽ luôn có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và giữ mãi tình yêu đối với văn chương, với nghề giáo như một thời sinh viên chúng ta đã từng.

Ảnh minh họa. Nguồn: eNews

Thời đại học, tôi không phải là một sinh viên năng nổ, cũng ít khi tham gia các hoạt động xã hội. Bốn năm đại học, tôi chỉ biết từ kí túc xá cuốc bộ đi học qua khu D (Trường đại học An Giang cơ sở cũ), rảnh rỗi thì đi thư viện đọc sách, tối đến thì đi học ở các trung tâm. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ sau này mình sẽ nhớ nhiều, nhớ lâu về những kỉ niệm thời sinh viên như thế. Cứ thế những năm tháng ngồi trên giảng đường đại học của tôi trôi qua một cách vô vị. Lúc ấy, tôi nghĩ đơn giản, chỉ cần cố gắng học hành thật tốt để mai này có được một chỗ dạy ổn định. Thêm nữa, vì hoàn cảnh eo hẹp, gia đình tôi không đủ khả năng trang trải những khoản chi khác cho tôi. Đối với tôi, thú vui ngồi quán cà phê hay tụ tập bạn bè là một điều xa xỉ. Cho nên, tôi không có kỉ niệm sâu sắc với riêng một cá nhân nào. Ấn tượng để sâu sắc trong tôi là cái cách mà chúng tôi đối với nhau và tấm lòng của các thầy cô ở bộ môn Ngữ văn, Trường Đại học An Giang.

Mười ba năm trước, năm 2006, một học sinh nghèo vùng biên giới như tôi được trúng tuyển vào Trường Đại học An Giang là một điều thật vinh dự. Đôi khi vô tình nghe những lời so sánh mà ở đó trường tôi chưa bao giờ được đánh giá cao nhưng tôi vẫn luôn tự hào về AGU, mái nhà chung của nhiều thế hệ sinh viên. Dĩ nhiên, bạn sẽ thấy hãnh diện khi là sinh viên của một trường đại học danh giá. Còn chúng tôi lại cảm thấy tự hào vì những điều mình được học, được dạy từ các thầy cô ở bộ môn Ngữ văn trong những năm tháng ở giảng đường đại học.
Tôi vẫn còn nhớ dãy D dành cho khối lớp xã hội với những phòng học đơn sơ; nhớ những bài tiểu luận cuối kì phải viết tay trên giấy A4 thật nắn nót chỉn chu, nhớ lần tranh nhau mượn cuốn “Hoàng Lê nhất thống chí” trên thư viện vì sắp đến hạn thuyết trình, nhớ những mùa hè phải thuê phòng ở lại kí túc xá để đọc hết các tác phẩm của bút nhóm Tự lực văn đoàn để chuẩn bị cho học phần của năm học kế tiếp… Thời điểm ấy, công nghệ chưa phát triển nên phương pháp lên lớp của giảng viên chủ yếu vẫn là thuyết giảng. Phương pháp dạy học truyền thống ấy vẫn có những ưu điểm nhất định. Điểm dễ nhận thấy là chúng tôi phải tập trung cao độ khi nghe giảng vì lơ là sẽ không bắt kịp vấn đề. Đó là lí do chúng tôi có thể ngồi nghe say sưa khi thầy Phùng Hoài Ngọc giảng về “Hồng lâu mộng”, về thần thoại Hi Lạp, về văn học phục hưng,.. mà không biết chán. Đó là giờ học văn học dân gian vô cùng hứng thú và trực quan mà không cần hỗ trợ của của bởi bất kì một phương tiện dạy học hiện đại nào bởi thầy Trần Tùng Chinh là một người rất mực tài hoa. Đó là những giờ học Hán Nôm “đầy kịch tính” của thầy Hoàng Quốc. Tuy rất nghiêm khắc nhưng thực sự thầy tôi là người sống tình cảm. Có lẽ, không có một giáo trình giáo học pháp nào cho sinh viên sư phạm sống động bằng những giờ lên lớp của cô Tô Kim Nguyên dạy Ngữ pháp, thầy Phạm Thanh Hùng dạy Văn học hiện đại, cô Ngô Thị Hy dạy Lí luận văn học. Đó không đơn thuần là vấn đề truyền đạt kiến thức chuyên ngành mà là vấn đề về cách truyền đạt và cách ứng xử trong mối quan hệ thầy – trò. Tôi ngưỡng mộ sự sâu sắc, khiêm nhường và rất mực trung thực của các thầy cô tôi. Một lời nói nhầm về chuyên môn trước lớp cũng phải được đính chính một cách nghiêm túc. Một trích dẫn khoa học thì không được “vô tình” quên ngoặc kép để biến của người khác thành của mình. Một sinh viên lười học nhưng lại siêng chạy điểm thì xứng đáng học đại học tới 8 năm. Một hình ảnh thơ có ý nghĩa thế nào chí ít cũng phải xuất phát từ cơ sở ngôn ngữ rõ ràng, chứ không thể tùy tiện suy diễn.v.v… Với cách ứng xử đó của thầy cô, tôi được học hỏi rất nhiều bài học về trách nhiệm và lương tâm nghề giáo. Những giáo trình giáo học pháp sẽ giúp cho sinh viên sư phạm có kiến thức phong phú hơn về nghiệp vụ nhưng chính thầy cô trên bục giảng mới là quyển giáo trình sống động nhất. Bởi chỉ có làm gương tốt, chúng ta mới mong đào tạo ra thế hệ người học tốt.

Đã tốt nghiệp từ năm 2010, nhưng dường như với các thầy cô, tôi vẫn là cô sinh viên “mọt sách” nhỏ nhắn của năm nào. Lần bảo vệ luận văn cao học, lần chuyển công tác về từ trường huyện về thành phố…, tôi đều nhận được tin nhắn hỏi thăm, động viên và chúc mừng từ các thầy cô tôi. Khi đó, tôi rưng rưng xúc động vì nhận ra cuộc sống vẫn có những tấm lòng yêu thương không hạn định như thế. Cảm ơn các thầy cô đã giúp tôi ngộ ra được những chân lí của đời sống và những bài học căn bản của nghề giáo: Đó là lòng yêu thương và sự trung thực. Chính vì vậy, tôi mãi luôn tự hào vì là học trò của các thầy cô ở bộ môn Ngữ văn niên khóa 2006-2010, mãi luôn tự hào vì từng là sinh viên sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học An Giang.

Thỉnh thoảng, trên đường, khi vô tình bắt gặp hình dáng của một người ông khắc khổ đang đón cháu tan học về trên chiếc xe đạp; hình ảnh một người phụ nữ lục tuần tay xách nách mang ngồi bên lề đường bắt xe khách đi Sài Gòn khám bệnh; hình ảnh người mẹ nội trợ đang vội vàng đi chợ về… khóe mắt tôi cay cay vì thấy viễn cảnh cuộc sống mình trong đó. Ngày xa rời bục giảng, đối với chúng tôi, có lẽ đó là ngày buồn nhất của nghề giáo. Nhưng đó lại là quy luật của cuộc sống. Mọi thứ sẽ thay đổi, sẽ rời đi, rồi biến vào thinh không mãi mãi. Duy chỉ có yêu thương chân thành là ở lại. Và bằng cách đó, những thầy cô giáo ở bộ môn Ngữ văn đã ở lại trong lòng của những thế hệ sinh viên sư phạm Ngữ văn như chúng tôi bằng tất cả sự yêu kính nhất. Một lần nữa, xin gửi lời tri ân chân thành nhất đối với các thầy cô. Chúc các thầy cô bộ môn Ngữ văn luôn sức khỏe và mãi luôn là người truyền lửa yêu nghề cho các thế hệ sinh viên của nhà trường. Nhân kỉ niệm 20 thành lập Trường Đại học An Giang, xin kính chúc nhà trường ngày càng phát triển và đạt nhiều thành tựu to lớn trong công tác đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước.

Lưu Kiều Nhi – Cựu sinh viên DH7C1
Giáo viên Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu