trường đại học an giang

Giải C – Bảng Viên chức: “Ngôi trường trong tim tôi”

Tháng 8 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chuyển Trường Đại học An Giang là trường đại học thành viên của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập Trường Đại học An Giang với những chặng đường phát triển thăng trầm. Ngày biết thông tin Trường về “mái nhà chung” Đại học quốc gia, cảm xúc tôi rất khó tả.

“Cái thuở ban đầu…”

Tôi thi đậu ngành Sư phạm, Trường Đại học An Giang vào năm 2003. Đến năm 2004, tôi được ra Hà Nội nhận học bổng hỗ trợ sinh viên vượt khó do một tổ chức phi chính phủ trao tặng. Đợt đó, tôi gặp gỡ nhiều bạn bè là sinh viên thuộc các trường đại học nổi tiếng trong cả nước. Tôi còn nhớ, có một chị học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hỏi tôi học trường nào. Tôi trả lời, em học ở Trường Đại học An Giang. Chị ấy ngớ ra một lúc, rồi hỏi lại tôi, Trường Đại học An Giang là ở Sài Gòn phải không em? Tôi nói, không phải chị ơi, Trường Đại học An Giang nằm ở tỉnh An Giang, thuộc khu vực miền Tây Nam bộ. Chị lại ngớ ra thêm một lần nữa, rồi bảo chị nghĩ ở miền Tây Nam bộ chỉ có Trường Đại học Cần Thơ thôi. Tôi phải giải thích một lúc chị mới biết ngoài Trường Đại học Cần Thơ thì miền Tây khi đó còn có vài trường khác nữa, mà Trường Đại học An Giang là điển hình. Câu chuyện ấy không khiến tôi mặc cảm, trái lại tôi còn biết ơn sự “thiếu thông tin” của chị. Bởi lẽ, chính nhờ vậy tôi mới nhận ra, ngôi trường mình vẫn luôn tự hào ở thời điểm đó còn chưa khẳng định được “thương hiệu” với bạn bè trong nước. Tôi nghĩ, bản thân tôi và mọi thành viên khác sẽ phải nỗ lực nhiều, phấn đấu nhiều để xác định vị thế của Trường Đại học An Giang.

Từ Hà Nội về, tôi bắt đầu quan sát, suy ngẫm nhiều hơn. Tôi bỗng nhận ra trường của mình còn khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt. Những ai từng gắn bó với ngôi trường thời điểm đó chắc còn nhớ, khuôn viên trường khi ấy chỉ bao gồm khu A, khu B với khu ký túc xá; cơ sở vật chất rất sơ sài. Phòng học thì đa số vẫn ẩm thấp, thiếu ánh sáng, không cách âm, bàn ghế cũ kỹ. Dãy H và dãy E vì gần các hộ dân sinh, gần các ao tù nước đọng nên thường có mùi hôi khó chịu, lại còn nhiều muỗi. Sau mỗi buổi học ở dãy đó, chân cẳng của tôi thường bị muỗi cắn nổi mẩn đỏ. Tôi còn nhớ, các con đường xung quanh trường là đường đất, mưa thì ngập hoặc lầy lội, nắng thì bụi. Có lần thầy Tùng Chinh dẫn tôi từ trường qua nhà thầy (ở hẻm 2) để thầy cho mượn mấy cuốn sách văn học dân gian, hai thầy trò phải xoắn quần lội nước vì mới có trận mưa lớn, nhiều đoạn nước ngập gần tới đầu gối. Tôi cầm sách đi về mà cứ sợ trượt chân, ướt quần áo thì không sao nhưng ướt sách của thầy thì không biết ăn nói thế nào. Mùa mưa năm đó, tôi còn lội nước nhiều đợt như thế, không sao nhớ hết. Thỉnh thoảng cũng có trượt chân té ướt quần áo tập vở nhưng không xảy ra điều gì đáng tiếc. Và sinh viên chúng tôi cũng không ai than phiền gì cả.

Giảng viên khi ấy cũng khó khăn không thua gì sinh viên. Tôi nhớ thầy Lý Văn Hà dạy lớp tôi môn Trung văn, lương không đủ sống, thầy phải “lén” đi chạy xe ôm vào buổi tối. Nói là “lén” vì thầy nghĩ mang danh phận giảng viên mà đi chạy xe ôm thì kỳ quá, lại sợ gặp phụ huynh hay sinh viên thì không biết cư xử thế nào. Mặc dù thầy luôn “hóa trang” cho giống với mấy chú xe ôm, nhưng nhiều ngày cũng ế khách lắm. Những đợt ế như vậy, thầy đành “cầu cứu” gia đình, nhờ gia đình gởi lên nào là gạo, nào là khô, nào là trứng, nào tiêu tỏi đường bột ngọt mắm muối đủ hết. Thế là thầy lại “hồi sinh”, lại phơi phới tinh thần mà đi “gieo chữ” cho thế hệ tương lai của đất nước. Tôi hay đến phòng trọ của thầy nhờ thầy chỉ bài. Căn phòng thầy ở cũng nhỏ xíu, chật chội như phòng của sinh viên bọn tôi. Nhưng thầy luôn lạc quan, thầy nói được vậy là tốt rồi, nhiều người còn khó khăn hơn. Và thầy trò cùng mỉm cười, cùng chung vai sát cánh chia sẻ những vất vả thiếu thốn, miệt mài theo đuổi con đường tri thức.

Toàn cảnh Trường ĐHAG
Lễ ra mắt Trường ĐHAG và khai giảng năm học đầu tiên (Nguồn: e-News)
Ban Giám hiệu qua các thời kỳ họp mặt tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trường (Nguồn: e-News)

Hai mươi năm thăng trầm

Rồi năm 2006, khu Trung tâm Trường Đại học An Giang với diện tích gần 40ha (còn gọi là khu ĐHAG mới) bắt đầu khởi công xây dựng. Chúng tôi thấp thỏm hy vọng và chờ đợi. Buổi chiều tan học hoặc những ngày cuối tuần, chúng tôi thường kéo nhau ra khu mới chơi đá banh, đá xong rồi đi hái rau muống rau dền, đi bắt cá bắt cua về vun vén cho bếp ăn tập thể. Đại học An Giang mới khi ấy chỉ là “khu cánh đồng hoang” – một khoảng trống mênh mông cỏ cây lau sậy, cát và nước, có chỗ lác đác vài đống đất đá, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang. Nói thật là lúc đó nhìn bản vẽ ngôi trường nguy nga lộng lẫy treo gần vị trí cổng số 18 Ung Văn Khiêm bây giờ, rồi nhìn cái khuôn viên cát đá như hoang mạc trước mắt, tôi không tin rằng ngôi trường này sẽ hoàn thành như những gì tôi hình dung. Mấy đứa bạn tôi tỏ ra lạc quan hơn, nói rằng mình cứ mơ ước, vì mơ ước đâu có tốn tiền (!) Có đứa hài hước bảo, ngôi trường này xây xong chắc tới đời con, đời cháu của tụi mình học, chớ mình dễ gì được học.

Vậy mà chỉ 3 năm sau (năm 2009), một ngôi trường khang trang sừng sững mọc lên, nguy nga như lâu đài trong cổ tích. Tôi ngắm nhìn ngôi trường, thầm thán phục sức lực phi thường của con người, đồng thời cũng nghĩ rằng bản thân mỗi chúng ta có thể làm nên những điều kỳ diệu. Có điều, sự chuyển mình của ngôi trường không phải là chuyển đổi từ một nơi có cơ sở vật chất thiếu thốn sang một nơi tiện nghi sang trọng hơn, mà cần phải chuyển đổi từ nội lực, chuyển đổi cả về lượng và về chất, tôi thầm nghĩ thế. Lúc này tôi đã tốt nghiệp, được ở lại trường giảng dạy. Tôi tự hào và phấn khởi với cương vị mới của tôi, cũng như tự hào với những cú vươn vai ngoạn mục của một ngôi trường vốn dĩ trước đó còn rất non trẻ.

Khách quan mà nói, trong hành trình phát triển, Trường Đại học An Giang cũng gặp không ít khó khăn, bao phen cũng phải chật vật để duy trì hoạt động. Khó khăn nhất có lẽ là vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao, là tài chính, là vấn đề việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Đến mức có thời điểm còn rộ lên “tin đồn” trường bị “bán với giá 0 đồng” cho một doanh nghiệp. Dù vậy, thầy và trò Trường ĐHAG trong suốt thời gian dài vẫn kiên trì từng bước vượt qua thử thách, khẳng định thương hiệu. Mỗi năm số lượng giảng viên được đào tạo sau đại học trong và ngoài nước về phục vụ tại trường tăng lên đáng kể, đưa vị thế nhà trường ngày một cao hơn. Nhiều thầy cô có học vị Tiến sĩ, Phó Giáo sư sẵn sàng chấp nhận mức lương hàng tháng khiêm tốn, sinh hoạt trong những căn nhà trọ, những khu tập thể còn thiếu nhiều tiện nghi để một lòng một dạ gắn bó với Trường. Đó là tấm lòng, là tâm huyết với tỉnh nhà và sự phát triển của địa phương.

Tôi may mắn được chứng kiến quá trình phát triển của trường, nhận thấy nhà trường luôn chủ động trong việc cập nhật, chuyển đổi phương thức đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập. Từ những năm 2008-2009, trường đã mạnh dạn xây dựng lộ trình chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang học chế tín chỉ. Để rồi chỉ một năm sau đó, năm học 2009-2010, trường chính thức áp dụng đào tạo theo tín chỉ cho các lớp cao đẳng, đại học chính quy. Không những thế, cũng trong năm 2010, trường được đánh giá đạt chuẩn ISO 9001:2008. Trong năm học 2015-2016, trường triển khai xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO cho tất cả các hệ đào tạo đại học. Những nỗ lực đó giúp cho các thế hệ sinh viên được đào tạo từ Trường Đại học An Giang đã trang bị đầy đủ phẩm chất năng lực để thực hiện tốt công tác chuyên môn, trở thành nguồn nhân lực thiết yếu cho địa phương, cho khu vực và cả nước.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, nhà trường còn quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nhiều giảng viên của trường liên tục có công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học, các hội thảo quốc tế uy tín. Nhiều công trình nghiên cứu được đưa vào ứng dụng hiệu quả, đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng. Đặc biệt, Tạp chí khoa học Trường Đại học An Giang được công bố năm 2013, đến nay đã nâng lên thành Tạp chí khoa học quốc tế AGU được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước chấp nhận đưa vào danh mục tạp chí được tính điểm công trình khoa học là một bước tiến đáng kể, khẳng định uy tín khoa học của nhà trường, trong nước cũng như quốc tế.

Có thể nói, với hệ giá trị cốt lõi là “Chính trực – Tận tâm – Sáng tạo”, trong những năm qua, Trường Đại học An Giang đã thực hiện thành công sứ mệnh “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có uy tín đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Tự tin tiến ra biển lớn

Thấm thoát đã 20 năm trôi qua kể từ ngày Trường Đại học An Giang chính thức được thành lập. Quãng thời gian ấy không quá dài mà cũng không ngắn, nó đủ để ta chứng kiến sự thăng trầm và vươn lên của một ngôi trường. Ngày công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trường Đại học An Giang là trường đại học thành viên của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bà chị sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà tôi gặp trước đây có nhắn tin chúc mừng. Chị bảo vẫn dõi theo hành trình phát triển của Trường Đại học An Giang từ cuộc trò chuyện năm ấy và thật sự thán phục với từng bước tiến mà trường đạt được. Chị tin rằng ngôi trường tôi đang gắn bó sẽ còn tiến xa hơn nữa, với tư cách là thành viên Đại học quốc gia.

Tôi cảm ơn chị rất chân thành, tự nhủ, với những thành tựu nổi bật về đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế trong thời gian qua, việc Trường Đại học An Giang trở thành thành viên Đại học quốc gia là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, việc gia nhập Đại học quốc gia không nên chỉ hiểu về mặt thể chế được cụ thể hóa qua các văn bản thủ tục pháp lý; qua con dấu hay các tiêu đề biểu ngữ; qua khía cạnh “danh xưng” hay “danh hiệu”… Mà nó cần được hiểu là sự chuyển đổi toàn diện, cả hình thức lẫn nội dung, cả bên trong lẫn bên ngoài. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho từng cá nhân, từng đơn vị. Cũng giống như chúng ta đang giong buồm ra biển lớn, hẳn phải đương đầu với gió lớn sóng to. Nhưng, đó là cách duy nhất để chúng ta khẳng định chính mình, và cũng là con đường duy nhất để chúng ta tiến đến chinh phục những chân trời mới.

Trương Chí Hùng – Khoa SP