Tầng 4, Thư viện Trường Đại học An Giang
+84 296 625 6565 nhánh 1605
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay

Đảng ta xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước. Trong cuộc chiến chống tham nhũng vô cùng khó khăn, phức tạp hiện nay, cần dựa vào “tai mắt”, sự giám sát của nhân dân theo tư tưởng “lấy dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước khác”(1), là tất cả các dân tộc anh em sống trên đất nước Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài. Đối với Người, “dân” là “đồng bào” với tất cả sự thân thương, tha thiết nhất của những người cùng dòng máu con Lạc cháu Hồng. Trong các buổi nói chuyện, những bài viết và trong các bức thư gửi nhân dân, Người luôn dùng từ “đồng bào” khi nói đến nhân dân, như một phương thức truyền tải tình yêu thương, tinh thần đoàn kết dân tộc.

Nhân dân là lực lượng có sức mạnh to lớn, có vai trò quyết định trong mọi vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, vì thế dân là gốc của mọi công việc. Với truyền thống yêu nước, anh dũng, cần cù, chăm chỉ, sáng tạo, nhân dân ta chính là nguồn vốn quý giá nhất làm nên thành công của sự nghiệp cách mạng. Hiểu dân, tin dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, dân rất tốt, rất thông minh, dân có thể “giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(2) và “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(3). Nói về sức mạnh của nhân dân, Người chỉ rõ: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(4); lòng dân là “vận nước” bởi vì “được lòng dân, thì việc gì cũng làm được/ Trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi”(5). Với những quan niệm đúng đắn, toàn diện về nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “dân là gốc”. Người nói: “Nước lấy dân làm gốc… Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(6).

Nhân dân là chủ thể của xã hội, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân và mọi thành quả của cách mạng đều phải vì dân, phục vụ dân. Cả cuộc đời cống hiến, hy sinh vì dân, vì nước, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm và giáo dục cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc rằng, “lấy dân làm gốc” nghĩa là nhân dân chính là chủ thể cách mạng, mục tiêu cách mạng là vì nhân dân và sự nghiệp cách mạng thực chất là sự nghiệp là của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gần dân, dựa vào dân, vì dân, trọng dân, yêu dân, học dân và trung thực với dân. Người chỉ rõ: “Dân là gốc”, là lực lượng cách mạng cơ bản và quan trọng nhất, cho nên cán bộ, đảng viên cần “phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”(7), tức là phải gần dân, lắng nghe, đồng cảm, thấu hiểu dân, từ đó mới có quyết sách phù hợp với nhu cầu, mong mỏi của nhân dân. Người cán bộ, đảng viên phải đồng hành với dân, vì lợi ích của dân mà hành động, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân vì nhân dân. Đây cũng là cách tốt nhất, hiệu quả nhất để dân tin, yêu và ủng hộ cán bộ, ủng hộ Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “lấy dân làm gốc” không chỉ là một nguyên tắc hành động mà còn là một mệnh lệnh tối thượng đối với cán bộ, đảng viên, bởi vì: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”(8). Người nêu rõ: “Đảng không phải làm quan, sai khiến quần chúng mà phải làm đày tớ cho quần chúng”(9). Theo Người, làm “đầy tớ” cho dân nghĩa là phục vụ dân, dốc lòng vì lợi ích của dân, làm cho dân được ấm no, hạnh phúc, làm cho dân hài lòng…

Tham nhũng là tệ nạn vô cùng nguy hiểm cho xã hội. Hồ Chí Minh từng chỉ rõ tác hại của tham nhũng: “Trộm cắp tiền bạc của nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa” (10). Đảng ta xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ, vì vậy, chống tham nhũng trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay, quan điểm “dân là gốc” của Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự, thể hiện ở những điểm sau:

Một là, với tư cách là người chủ của xã hội, nhân dân tích cực tham gia công tác kiểm tra, giám sát, góp phần quan trọng trong việc phát hiện ra các vụ, việc tham nhũng, tiêu cực. Thực tế trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn được phanh phui bắt đầu từ những thông tin do nhân dân cung cấp, tố cáo. Các cơ quan chức năng đều phải dựa vào “tai mắt” nhân dân, thu thập thông tin, chứng cứ để chứng minh các hành vi phạm tội của đối tượng vi phạm pháp luật. Nhân dân chính là lực lượng giám sát đông đảo, hiệu quả nhất đối với những hành vi sai trái của cán bộ, đảng viên.

Hai là, nhân dân tích cực tham gia phản biện xã hội về những vấn đề có liên quan đến công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đó là tham gia góp ý kiến với Đảng và Nhà nước về hoạch định chủ trương, xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; góp ý kiến về nhân sự tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp trong tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan nhà nước; giám sát, phản biện hoạt động của các cơ quan công quyền trong việc quản lý tài sản công, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản... Đây vừa là hoạt động thể hiện quyền dân chủ của nhân dân, nhưng cũng chính là hoạt động thể hiện vai trò và trách nhiệm của người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần “dân là gốc”.

Ba là, ý kiến của đông đảo nhân dân tạo thành dư luận xã hội lên án và đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Dư luận xã hội góp phần quan trọng trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khi cung cấp thông tin tham nhũng, tiêu cực cho các cơ quan pháp luật và báo chí vào cuộc; tạo áp lực xã hội làm cho những người có trách nhiệm và các cơ quan hữu quan phải chú ý, để tâm, chỉ đạo, tiến hành làm rõ vụ, việc để trả lời trước công luận. Dư luận xã hội tác động mạnh mẽ đến tâm lý con người, tạo khả năng răn đe, cảnh tỉnh, để những người “đang muốn tham” phải chùn tay “không dám tham”.

Khẳng định vai trò của nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, ngày 30-6-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta phải dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng”(11).

Tuy nhiên, trong thực tế, vai trò của nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Chưa có cơ chế hợp lý để nhân dân trực tiếp tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả; ở nhiều nơi, việc quản lý tài chính, tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản… chưa thực sự công khai, minh bạch để nhân dân dễ dàng tiếp cận, giám sát, từ đó có thể phát hiện kịp thời những sai sót, vi phạm… Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế dân chủ ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, thậm chí còn có tình trạng vi phạm nghiêm trọng quyền dân chủ, làm cho quyền lực không được kiểm soát, tạo cơ hội cho tham nhũng càng lộng hành, gây bất bình trong nhân dân. Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức được trách nhiệm công dân trong công tác phát hiện và tố giác tham nhũng nên còn thờ ơ, bàng quan.

Để dựa vào nhân dân, lấy “dân là gốc” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng để nhân dân hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình, có thái độ đấu tranh không khoan nhượng với “giặc nội xâm” này, từ đó tích cực tham gia giám sát, phát hiện, thông tin, phản ánh, tố giác hành vi tham nhũng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”(12).

Cung cấp thông tin, định hướng để hình thành dư luận xã hội mang tính tích cực, tạo cơ hội, diễn đàn cho người dân dễ dàng và chủ động tham gia bình luận, nhận xét, góp ý mang tính xây dựng, góp phần phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp lý cho hạt nhân tích cực trong quần chúng nhân dân (già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng…) để tăng cường tính tích cực của họ trong việc phát hiện, tố cáo tham nhũng.

Thứ hai, củng cố, hoàn thiện cơ chế, cơ sở pháp lý thực hành dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia quá trình phản biện xã hội thực chất, hiệu quả. Bảo đảm quyền dân chủ tức là người dân được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời (dân biết), người dân được trực tiếp theo dõi, giám sát các quá trình quản lý xã hội (dân kiểm tra) để kịp thời phát hiện những hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên, giúp các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng những sai phạm, phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời hành vi tham nhũng. Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phải thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Hiện nay, việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Ở một số địa phương, cơ quan, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước còn chưa kịp thời; việc công khai các nội dung liên quan theo quy định còn chưa đầy đủ, còn mang tính hình thức, đối phó, nên việc tiếp cận thông tin của người dân gặp nhiều khó khăn, làm cho việc thực hiện quyền giám sát, góp ý của nhân dân ở một số nơi còn hạn chế. Thực tế đó đòi hỏi phải khẩn trương tiếp tục củng cố và hoàn thiện các cơ chế thực hành dân chủ, tổ chức triển khai hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vừa được Quốc hội thông qua ngày 10-11-2022, tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân thực chất, trong đó, thực hiện quyền và trách nhiệm của nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách hiệu quả.

Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện thể chế về công khai, minh bạch các quy trình quản lý nhà nước, quản lý tài chính, tài sản công. Trong công tác phòng, chống tham nhũng, việc bảo đảm công khai, minh bạch trong điều hành, quản lý nhà nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc phát hiện, xử lý hành vi phạm tội. Công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước nghĩa là phải công bố rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhận biết các chức năng, nhiệm vụ, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật một cách rộng rãi để người dân tiếp cận thông tin dễ dàng, thuận lợi nhất. Trong thực tế, tham nhũng chủ yếu xảy ra và lộng hành khi có tình trạng thiếu minh bạch, thiếu sự giám sát. Nếu bảo đảm việc công khai, minh bạch, khoa học hóa các nội dung và quy trình quản lý thì sẽ hạn chế những khoảng tối, kẽ hở về chính sách nhằm trục lợi, tham nhũng.

Mặc dù hiện nay, việc thực hiện cải cách hành chính ở các cấp chính quyền đã có nhiều tiến bộ, nhưng quy trình, thủ tục giải quyết có lúc, có nơi vẫn chưa thuận tiện, thậm chí còn tình trạng nhiêu khê, phiền hà. Nhiều trường hợp, mỗi cấp có một cách xử lý và quy định thủ tục khác nhau gây lúng túng cho người dân, đồng thời dễ phát sinh tiêu cực. Do đó, việc đơn giản hóa, công khai hóa, minh bạch hóa các thủ tục và quy trình quản lý, minh định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp người dân hiểu rõ và dễ dàng thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình, đồng thời cũng sẽ ngăn chặn tình trạng người thực thi công vụ lợi dụng để vụ lợi, nhũng nhiễu. Đẩy mạnh việc xây dựng chính phủ điện tử và đồng bộ hóa dữ liệu, số hóa việc giải quyết thủ tục hành chính trên toàn quốc.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vô cùng phức tạp, khó khăn, phải tiến hành quyết liệt, bền bỉ, thường xuyên, không ngơi nghỉ, do đó cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng việc phát huy sức mạnh của nhân dân, dựa vào nhân dân như một giải pháp cơ bản, hiệu quả, theo tinh thần “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

NGÔ THỊ THU NGÀ
Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo  Tạp chí Cộng sản
Bùi Hảo (st)

 

(1), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 264, 163
(2), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 335, 501 - 502, 330
(3), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 453, 63
(4), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 270, 368
(11) Xem: “Dựa vào nhân dân để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Tạp chí Tổ chức nhà nước điện tử, ngày 29-9-2022, https://tcnn.vn/news/detail/55869/Dua-vao-nhan-dan-de-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc.html
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 419

Nguồn: https://www.bqllang.gov.vn