Tầng 4, Thư viện Trường Đại học An Giang
+84 296 625 6565 nhánh 1605
Học Bác Hồ "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm"

(TUAG)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức đau khổ” và Người không chỉ cống hiến trọn đời cho độc lập dân tộc, tự do, ấm no và hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam mà còn góp sức vào sự nghiệp giải phóng nhân loại bị áp bức, bất công trên toàn thế giới. Người để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, tư tưởng về chăm lo đời sống nhân dân vẫn giữ nguyên giá trị, soi đường cho sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Chăm lo đời sống nhân dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong dòng chảy lịch sử nước ta, là bài học lớn được rút ta từ chiều sâu lịch sử. Ngay từ thế kỷ XV, dựa vào thực tế của triều đại phong kiến, Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi đã đi đến nhận định rất quan trọng: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định, vương triều nào được lòng nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lòng dân thì sớm muộn đều sẽ thất bại.

Trên cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, cả cuộc đời hoạt động cách mạng cao cả, vĩ đại của Bác Hồ là hành trình phấn đấu, hy sinh vì nước, vì dân. Hai chữ “Vì dân” đã trở thành niềm tin, lẽ sống và quy tụ mọi suy nghĩ, phấn đấu, hy sinh của Người.  

Khi đất nước còn trong vòng nô lệ, Nhân dân bị áp bức, bóc lột, kìm kẹp nặng nề, quyền cơ bản và tối thiểu của mỗi con người và dân tộc cũng không có, với phương châm: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”, Nguyễn Ái Quốc đã không quản mọi hiểm nguy, dành hết tâm lực đấu tranh cho nền độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của Nhân dân. Ý chí, quyết tâm và mục tiêu cao đẹp đó đã giúp Người vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tìm ra con đường cứu nước, cứu dân.

Đất nước giành được độc lập, Bác Hồ tiếp tục nỗ lực không ngừng nhằm đem lại cho Nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người khẳng định: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

Với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, Bác Hồ luôn coi việc chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Theo Bác, chăm lo đời sống nhân dân chính là làm cho Nhân dân được thực hiện nghĩa vụ và hưởng thụ quyền lợi trong một xã hội tiến bộ, công bằng để Nhân dân thực sự là người chủ trong xã hội mới và ngày càng được thụ hưởng đầy đủ về vật chất và tinh thần.

Để chăm lo tốt cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, Bác Hồ khẳng định điều trước hết phải xây dựng Nhà nước thực sự là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Chính phủ phải là công bộc của dân. Công việc của Chính phủ phải nhằm một mục đích duy nhất là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Người nói: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi”. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của Nhân dân, phải đặt quyền lợi của Nhân dân lên trên hết. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục Nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, bệnh tật thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được. Người yêu cầu chính phủ phải thực hiện ngay: “1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc; 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.

Bác Hồ chỉ rõ: Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Người khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam từ Nhân dân mà ra, vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ của Nhân dân, không có lợi ích nào khác lợi ích của Nhân dân.

Tin tưởng vào cơ đồ và tương lai tốt đẹp của dân tộc, Bác Hồ cho rằng, xây dựng và phát triển đất nước sau kết thúc chiến tranh luôn là một nhiệm vụ to lớn, nặng nề và phức tạp mà cũng rất vẻ vang. Đó là một cuộc “chiến đấu” đầy khó khăn để chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng; để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Ðể giành lấy thắng lợi trong cuộc “chiến đấu” ấy, Đảng và Chính phủ không chỉ cần tiến hành “khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”; “phát triển công tác vệ sinh, y tế”; “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của Nhân dân”; “củng cố quốc phòng”,... mà còn phải động viên toàn dân, tổ chức, giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân và tạo điều kiện cho Nhân dân tự xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc của mình, “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân. Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm. Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động”.

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế sẽ góp phần xóa bỏ thực trạng đói nghèo trong xã hội, đồng thời, không ngừng nâng cao đời sống, mức sống của Nhân dân. Một biện pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế là tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.  

Cùng với xóa đói nghèo về kinh tế, Người coi đói nghèo về văn hóa, tinh thần cũng là một nguy cơ lớn, một trở lực của phát triển. Do đó, cần đồng thời diệt “giặc đói”, với diệt “giặc dốt”, phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, gắn mục tiêu đầy đủ về vật chất với tiến bộ về tinh thần. Cần chú trọng phát triển tinh thần yêu nước, văn hóa đạo đức và văn hoá giáo dục, ra sức nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân. Từng bước biến nước ta thành một nước có nền văn hóa cao.

Để phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, Người nhấn mạnh giải pháp quan trọng trước hết là cần phát huy vai trò lãnh của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong hoạch định, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực thi đường lối phát triển kinh tế, văn hóa. Người yêu cầu các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cán bộ, đảng viên phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc phương châm: Việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng phải hết sức tránh. Trước lúc đi xa, Người còn căn dặn trong Di Chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội xác định chăm lo đời sống nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và thực hiện với quyết tâm chính trị cao hơn. Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương, cơ quan, đơn vị có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của vật chất và tinh thần của Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thương yêu, quý trọng, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm và là công bộc của dân, phải luôn khắc sâu lời dạy vàng ngọc của Bác Hồ: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”; đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình; hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân; luôn khắc sâu vào tâm trí mình đạo lý “yêu nước, thương dân”, thật sự là công bộc của dân. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh; tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh. Trong nhận thức và hành động, tuyệt đối không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm Nhân dân. Nêu cao ý thức tôn trọng và giữ gìn của công và của Nhân dân. Không được phung phí thời gian, nhân lực vật lực của dân. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc của dân.

Bối cảnh mới có nhiều thay đổi so với trước đây, nhưng có một chân lý không hề thay đổi, đó là: Dân rất tốt. Khi họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”. Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.

 

NGUYỄN HỮU THỊNH

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Nguồn: https://www.angiang.dcs.vn/Lists/XayDungDang/DispForm.aspx?ID=3581