Tầng 4, Thư viện Trường Đại học An Giang
+84 296 625 6565 nhánh 1605
55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(TUAG)- Cách đây 55 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đã yên nghỉ lúc 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969. Trước khi từ biệt thế giới này, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một văn kiện lịch sử vô giá; kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách của một vĩ nhân, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - đó là bản Di chúc mà Người gọi là Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”.

Trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng, cách mạng và dân tộc ta thì Di chúc là một văn kiện lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng quan trọng. Thời gian càng lùi xa càng khiến chúng ta nhận ra rằng, chúng ta vẫn chưa thể hiểu hết tư tưởng của Bác trong Di chúc. Khi thực tiễn đặt ra những thử thách mới, mỗi khi xem lại Di chúc, chúng ta thấy rõ lời chỉ dẫn ngay trong những câu chữ quen thuộc.

Hoàn cảnh và quá trình viết Di chúc

Năm 1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, vào lúc 9 giờ sáng ngày 10/5/1965 Bác viết bản Di chúc với tiêu đề “Tuyệt đối bí mật” gồm ba trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các năm 1966, 1967, Bác không có những bản viết riêng.

Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm sáu trang viết tay. Trong đó, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói “về việc riêng” đã viết trong bản năm 1965, và viết thêm một số đoạn. Đó là những đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi như: Chỉnh đốn lại Đảng, quan tâm gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước.

Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay. Sau đó, trong các ngày từ 11 đến ngày 19/5/1969, Bác còn tiếp tục sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969. Đúng 10 giờ ngày 19/5/1969, là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 79 của Bác, Bác đọc lại lần cuối cùng tất cả các bản Di chúc đã viết trước đó, rồi xếp tất cả bỏ vào phong bì và cất đi. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người tháng 9/1969.

Giá trị của Di chúc

Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Di chúc thể hiện sự tự nhận thức sâu sắc về bản thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đón nhận quy luật cuộc sống bằng phong thái ung dung, tự tại, chuẩn bị việc ra đi của mình bằng những lời tâm huyết để lại.

Di chúc là công trình lý luận về xây dựng và chỉnh đốn Đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với Nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Di chúc nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ Nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.

Di chúc là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta; là sự kết tinh tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam; ngoài ra, Di chúc còn là một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh; phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước...

Ý nghĩa của Di chúc

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá, được viết từ trái tim, trí tuệ và tư tưởng của một vĩ nhân, kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh. Di chúc là một tài sản vô giá của dân tộc ta.

Thời gian càng lùi xa, nhưng những bài học qua 55 năm thực hiện Di chúc vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục phát huy trong giai đoạn cách mạng mới. Đó là, bài học về tinh thần lạc quan và bản lĩnh khoa học cách mạng của Đảng; bài học về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; bài học về thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; bài học về sự quan tâm đặc biệt sâu sắc tới thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước; bài học về chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân; bài học về tinh thần cống hiến cho lý tưởng cách mạng.

An Giang thực hiện Di chúc của Bác

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, trong 55 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang luôn phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, đạt nhiều thành tích vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; chiến đấu bảo vệ quê hương và tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Thành tựu nổi bật qua 40 năm đổi mới ở An Giang là sự năng động, có những phát kiến tốt, đồng thời, biết vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng và Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương. Kinh tế của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, từ một tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực với sản lượng lúa khoảng 848 ngàn tấn (năm 1986) đến nay đạt trên 4 triệu tấn, trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2000 - 2023 đạt trên 7,3%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; GRDP bình quân từ 4,5 triệu đồng/năm (2000), tăng lên 60,5 triệu đồng (2023); tỷ lệ hộ nghèo từ 7,84% (2011) giảm còn 2,93% (2023).

Cùng với phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, thật sự trở thành điểm sáng, niềm tự hào của địa phương. Đến nay, tỉnh đã cơ bản xây dựng hệ thống an sinh xã hội khá đồng bộ, nhất là các chính sách về tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân; cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, chính sách ưu đãi đối với người có công.

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào phụng dưỡng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” ngày càng phát triển sâu rộng, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng sâu rộng của các tầng lớp nhân dân.  Ngoài ra, An Giang phát triển đa dạng các mô hình xã hội từ thiện dựa vào cộng đồng, góp phần rất lớn vào công tác an sinh xã hội tại địa phương: Cất nhà Đại đoàn kết, xây cầu, làm đường, các công trình công cộng, nghĩa trang nhân dân...

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện luôn được tỉnh đặt biệt quan tâm, trở thành nhiệm vụ then chốt trong toàn Đảng bộ. Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc những chủ trương, nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII  về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Những năm gần đây, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2024 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" gắn với học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ, Bác Tôn, các quy định về trách nhiệm nêu gương, quy định về những điều đảng viên không được làm, qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở địa phương.

Kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ đi xa là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng tự soi rọi lại mình; nguyện quyết tâm tiếp tục phấn đấu, nỗ lực, tăng cường đoàn kết, phát huy cao nhất ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển, quyết tâm xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc, góp phần "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" như ý nguyện của Bác.

BBT

Nguồn: https://www.angiang.dcs.vn/Lists/ChinhTri/DispForm.aspx?ID=405&InitialTabId=Ribbon.Read