Đánh giá giữa kỳ đề án khoa học về phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long

Vừa qua, Trường Đại học An Giang, ĐHQG-HCM đã tổ chức Hội đồng đánh giá giữa kỳ đề án khoa học “Khảo sát thực trạng và nâng cao khả năng áp dụng công nghệ tính toán phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Đề án do TS Nguyễn Trần Nhẫn Tánh - Viện trưởng Viện Biến đổi Khí hậu, Trưởng Khoa Kỹ thuật – Công nghệ - Môi trường làm chủ nhiệm.

Đề án nhằm đánh giá toàn diện thực trạng canh tác lúa, khả năng ứng dụng công nghệ và nguồn lực nhân sự địa phương, đồng thời nhận diện các thách thức trong việc tính toán phát thải khí nhà kính từ hoạt động nông nghiệp. Từ đó, đề án không chỉ góp phần nâng cao năng lực tính toán phát thải khí nhà kính tại ĐBSCL mà còn hỗ trợ xây dựng các chiến lược nhằm thực hiện cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Đề án được triển khai tại ba tỉnh đại diện cho ba vùng sinh thái đặc trưng của ĐBSCL: An Giang (thượng nguồn), Kiên Giang (ven biển), và Hậu Giang (vùng giữa). 
Qua khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải, năng lực công nghệ và nhân lực tại địa phương, đồng thời biên soạn tài liệu tập huấn để nâng cao năng lực cho các bên liên quan.

Đề án được phê duyệt thực hiện từ tháng 6/2024 đến tháng 6/2025. Đến nay, đề án đã hoàn thành 70% khối lượng công việc và đạt được nhiều kết quả nổi bật, bao gồm: Báo cáo đánh giá giữa kỳ (hoàn thành 50% nội dung tổng kết); Bộ dữ liệu hoàn chỉnh (đạt 100%) về kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính; 4 sản phẩm khoa học giá trị: 1 bài báo khoa học, 1 tham luận, 1 kỷ yếu hội thảo và 1 hội thảo quốc tế.

Các kết quả ban đầu cho thấy việc áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn mang lại lợi ích thiết thực như tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đề án được kỳ vọng tạo tiền đề cho sự phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời hỗ trợ địa phương ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Hội đồng khoa học đánh giá cao cách tiếp cận và các kết quả ban đầu của đề án, đồng thời khuyến nghị tiếp tục hoàn thiện nội dung nghiên cứu để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và phát triển nông nghiệp bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Cẩm Thiêu – TV

HÌNH ẢNH


Đề án khoa học "Khảo sát thực trạng và nâng cao khả năng áp dụng công nghệ tính toán phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa ở đồng bằng sông Cửu Long"
TS Nguyễn Trần Nhẫn Tánh - Viện trưởng Viện Biến đổi Khí hậu, Trưởng Khoa KT-CN-MT, Chủ nhiệm đề án báo cáo kết quả giữa kỳ
PGS.TS Hồ Thanh Bình – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đóng góp ý kiến cho đề án
PGS.TS Nguyễn Công Thuận - Trường Đại học Cần Thơ đóng góp ý kiến cho đề án
TIN LIÊN QUAN