Hội nghị thường niên Dự án xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững cho nông hộ nhỏ ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 14/5, Trường Đại học An Giang, ĐHQG-HCM đã tổ chức Hội nghị thường niên của Dự án "Quy hoạch và xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững cho nông hộ nhỏ ở Đồng bằng sông Cửu Long" (Planning and establishing a sustainable smallholder rice chain in the Mekong Delta - AGB/2019/153). 

Dự án do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) và Tập đoàn SunRice (Úc) tài trợ, với tổng kinh phí hơn 4,3 triệu đô la Úc (hơn 67,5 tỷ đồng). Dự án do Đại học Queensland (Úc) điều phối quốc tế và Trường Đại học An Giang giữ vai trò điều phối quốc gia tại Việt Nam. Các đối tác cùng tham gia thực hiện Dự án có Trường Đại học Cần Thơ và Viện Nghiên cứu Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án được triển khai trong vòng 4 năm tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Mục tiêu của Dự án là hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có khả năng truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Dự án cũng chú trọng cải thiện sinh kế cho các nông hộ nhỏ thông qua áp dụng các thực hành canh tác bền vững và kết nối hiệu quả với thị trường.

Tại Hội nghị thường niên, đại diện các đối tác tham gia Dự án đã báo cáo những công việc đã triển khai trong thời gian qua và thảo luận về các nội dung: (1) Các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng giống lúa DS1 tại các nông hộ; (2) Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa; (3) Sản xuất thương mại giống lúa DS1 và DT8 gắn với thực hành theo bộ tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) và kỹ thuật canh tác hiệu quả với giống Japonica; (4) Thiết lập quy trình thu hoạch và sau thu hoạch tối ưu; (5) Chọn tạo, sản xuất và thử nghiệm đa môi trường (MET) cho giống lúa ngắn ngày, hạt ngắn; (6) Phân tích giới trong các hoạt động xã hội và khuyến nông.

Hội nghị cũng đề cập đến kế hoạch nâng cao năng lực đào tạo, truyền thông và hỗ trợ kỹ thuật cho các nông hộ tham gia, đồng thời xây dựng định hướng triển khai cho giai đoạn tiếp theo của Dự án. 

Thay mặt đơn vị điều phối quốc gia của Dự án, TS Nguyễn Hữu Trí – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cảm ơn các đối tác trong và ngoài nước đã đồng hành, hỗ trợ tích cực trong suốt quá trình triển khai. Thông qua Dự án, Trường Đại học An Giang có thêm cơ hội đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương và góp phần thực hiện sứ mệnh của ĐHQG-HCM ở khu vực vùng ĐBSCL. 

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đối tác trong và ngoài nước, Dự án AGB/2019/153 hứa hẹn sẽ tạo bước tiến mới trong việc phát triển chuỗi giá trị lúa bền vững, từ đó nâng cao thu nhập cho nông hộ nhỏ và tăng cường năng lực xuất khẩu của ngành lúa gạo Việt Nam.

Thông tin chi tiết về Dự án, vui lòng xem tại www.mekongsustainablerice.com 

Anh Thư - TV

HÌNH ẢNH


Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
TS Nguyễn Hữu Trí – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang phát biểu tại Hội nghị
Ông Chris Quirk -  Giám đốc Phát triển dịch vụ và nông học nông dân, Tập đoàn SunRice, đơn vị tài trợ phát biểu tại Hội nghị
Bà Nguyễn Thị Lan Phương – đại diện Văn phòng ACIAR tại Việt Nam, đơn vị tài trợ phát biểu tại Hội nghị
PGS.TS Jaquie Mitchelle - Đại học Queensland (Úc), Trưởng Dự án sơ kết các hoạt động đã triển khai thời gian qua
TS Nguyễn Hồng Tín - Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ về việc áp dụng giống lúa DS1 tại các nông hộ
Đại biểu thảo luận tại Hội nghị
TIN LIÊN QUAN