Hội thảo “Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và Malawi: Thành tựu và bài học kinh nghiệm”

Ngày 5/3, Khoa Nông nghiệp – Tài nguyên thiên nhiên đã tổ chức Hội thảo “Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Malawi: Thành tựu và bài học kinh nghiệm”.

 Sự kiện có sự tham gia của đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang cùng các giảng viên, sinh viên Khoa Nông nghiệp – Tài nguyên thiên nhiên.

Báo cáo viên của Hội thảo là TS Charles Howie – cố vấn kỹ thuật của tổ chức từ thiện Malawi Fruits (Scotland). Ông đã có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và là tình nguyện viên cố vấn cho Khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên.  

Tại Hội thảo, TS Charles Howie đã chia sẻ về thực trạng nông nghiệp tại Malawi – một quốc gia nghèo ở Đông Nam châu Phi, kinh tế chủ yếu dựa vào cây trồng xuất khẩu và chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động thị trường. Tuy nhiên, người dân Malawi đã ứng dụng nhiều sáng kiến như nhà kính kết hợp hệ thống bơm nước bằng năng lượng mặt trời để cải thiện sinh kế, đặc biệt là hỗ trợ phụ nữ gia tăng thu nhập từ sản xuất rau màu chất lượng cao.

Đối với nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh An Giang, TS Charles Howie đánh giá cao những chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp từ năm 1967 đến nay. Nhờ gia tăng số vụ canh tác và cải tiến giống, sản lượng lúa đã được nâng cao đáng kể. Ông cũng đề cập đến các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL, trong đó có hệ thống cửa xả Cái Lớn, hiện đang được nghiên cứu về tác động đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp.

Trong phần thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh rằng hạ tầng giao thông, internet và mạng di động đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nông dân tiếp cận thị trường, gia tăng giá trị nông sản. Bên cạnh đó, quyền sở hữu đất đai và khả năng tiếp cận nguồn nước cũng được xem là yếu tố quyết định đến loại cây trồng và thu nhập của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân quyền trong hoạch định chính sách sẽ tạo điều kiện để người dân tham gia nhiều hơn vào quá trình ra quyết định, từ đó thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và phù hợp với thực tiễn địa phương.

Hội thảo là dịp để các đại biểu so sánh đặc điểm nông nghiệp giữa hai vùng địa lý khác biệt, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và tìm ra giải pháp tối ưu, hướng đến mục tiêu chung: phát triển nền nông nghiệp bền vững và nâng cao khả năng thích ứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu.

Hữu Nghị - TV
(Ảnh: Hữu Nghị - Quế Hương)

HÌNH ẢNH


Toàn cảnh buổi Hội thảo
TS Charles Howie trình bày các nội dung tại Hội thảo
Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Giảng viên Khoa Nông nghiệp – TNTN thảo luận các nội dung tại Hội thảo
Sinh viên tham dự Hội thảo
Sinh viên đặt câu hỏi với TS Charles Howie
TS Charles Howie chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên Khoa Nông nghiệp – TNTN
TIN LIÊN QUAN