Hội thảo sơ kết giữa kỳ Dự án Mekong NbS

Ngày 6/3/2025, tại Trường Đại học An Giang, ĐHQG-HCM diễn ra Hội thảo sơ kết giữa kỳ Dự án “Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư” (Dự án Mekong NbS). Dự án do Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang phối hợp với WWF-Việt Nam triển khai, với sự tư vấn kỹ thuật từ Viện Biến đổi Khí hậu Trường Đại học An Giang.

Hội thảo có sự tham gia đại diện WWF-Việt Nam, Viện Biến đổi Khí hậu Trường Đại học An Giang, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Trường Đại học Cần Thơ, Ban Quản lý Rừng phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang, chính quyền thị xã Tịnh Biên, huyện Châu Phú cùng các hợp tác xã và nông dân từ các khu vực triển khai Dự án.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, nhấn mạnh rằng việc triển khai các mô hình sinh kế thuận thiên không chỉ giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên mà còn đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân vùng lũ, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Ông cũng đánh giá cao sự hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và các bên liên quan trong việc cung cấp tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo và chuyển giao công nghệ giúp các mô hình được triển khai hiệu quả hơn.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã báo cáo kết quả triển khai 07 mô hình sinh kế thuộc khuôn khổ Dự án Mekong NbS. Một số mô hình tiêu biểu được đánh giá cao gồm: Trồng sen kết hợp trữ cá tự nhiên và nuôi cá; Trồng lúa ngập sâu mùa lũ; Trồng sen kết hợp du lịch sinh thái; Sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản mùa lũ. Các nghiên cứu cho thấy mô hình kết hợp giữa nông nghiệp và bảo tồn sinh thái không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần cải thiện chất lượng môi trường tự nhiên.

Trong các mô hình của Dự án, Viện Biến đổi Khí hậu Trường Đại học An Giang đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn kỹ thuật, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên hệ sinh thái ngập nước và đề xuất các giải pháp canh tác bền vững. 

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng công bố kết quả giám sát thủy văn, chất lượng nước do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Cần Thơ thực hiện và báo cáo tình hình giải ngân Quỹ xoay vòng hỗ trợ sinh kế cho nông dân.

Hội thảo cũng đề ra nhiều mục tiêu quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của Dự án Mekong NbS, bao gồm: Mở rộng mô hình sinh kế thuận thiên tại vùng đệm; Thúc đẩy liên kết thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp bền vững; Nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước và bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng; Tăng cường vốn cho Quỹ xoay vòng hỗ trợ sinh kế.
Hội thảo khẳng định Dự án Mekong NbS không chỉ góp phần bảo vệ hệ sinh thái ngập nước mà còn giúp người dân phát triển kinh tế bền vững, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa WWF-Việt Nam, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Cần Thơ và các tổ chức địa phương, Dự án đang tạo ra những chuyển biến tích cực, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.

Phước Nguyên – Viện BĐKH

HÌNH ẢNH


Toàn cảnh Hội thảo
Ông Hồ Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang phát biểu khai mạc Hội thảo
ThS Lê Thanh Phong - Phó Viện trưởng Viện BĐKH giới thiệu về mô hình Trồng lúa ngập sâu mùa lũ
ThS Trịnh Phước Nguyên - Phó Viện trưởng Viện BĐKH giới thiệu về mô hình trồng sen kết hợp trữ cá tự nhiên và nuôi cá
Đại biểu tham dự đóng góp ý kiến
Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm sau Hội thảo
TIN LIÊN QUAN