Nhằm triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) của Thủ tướng Chính phủ, chiều ngày 26/10/2018, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học - Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh An Giang cùng Trường Đại học An Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Tham dự Hội thảo có Ông Phạm Đức Nghiệm – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; Bà Hoàng Thị Thanh Thủy – Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh An Giang; Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHAG cùng đại diện của các Sở, ban, ngành, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng ở các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo cũng đã thu hút trên 200 đại biểu là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) cùng các nhóm dự án khởi nghiệp ĐMST.


Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Phạm Đức Nghiệm – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN hy vọng Hội thảo sẽ tăng cường sự kết nối giữa các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Đây là tiền đề trong việc định hướng phát triển hoạt động khởi nghiệp ở các địa phương, thúc đẩy phát triển hoạt động khởi nghiệp ĐMST gắn với đào tạo, chuyển giao tri thức, KH&CN trong Vùng, từ đó biến các ý tưởng công nghệ, sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên, nhóm khởi nghiệp thành các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng nhanh trong hệ sinh thái khởi nghiệp và trên thị trường.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các tham luận xoay quanh vấn đề khởi nghiệp ĐMST đang được các bạn trẻ Startup quan tâm hiện nay như: Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2025; Hệ sinh thái khởi nghiệp và vai trò của Trường ĐHAG trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; Sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Đầu tư khởi nghiệp – cơ hội và thách thức (mô hình Vietnam Silicon Valley); Khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao – một vài kinh nghiệm và thực tiễn.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ khởi nghiệp ĐMST về cách xây dựng thương hiệu, huy động, kêu gọi vốn, kết nối và tiếp cận với các quỹ đầu cũng như đối mặt và giảm nguy cơ rủi ro cho dự án. Để hạn chế rủi ro, các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ và tạo lập môi trường thuận lợi, một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST lành mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có điều kiện phát triển thành công.

Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức đã tổ chức trao giải thưởng cho các ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu của Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST vùng ĐBSCL. Kết quả cuộc thi, có 4 trong số 12 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc nhất được nhận giải và tham gia Techfest Việt Nam 2018 – Sự kiện lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng vào cuối tháng 11 năm 2018. Trong đó, thí sinh Đặng Thị Phấn – Giảng viên Bộ môn Giáo dục Mầm non, Khoa Sư phạm, Trường ĐHAG đã đoạt giải Nhất cuộc thi.




Cẩm Thiêu – TV