Sáng ngày 17/11/2018, tại Phòng họp 2, Khu Trung tâm Trường Đại học An Giang đã diễn ra Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm trong phát triển du lịch An Giang”. PGS,TS. Võ Văn Thắng – Hiệu trưởng Nhà trường đã đến dự và chủ trì hội thảo.
Tham dự Hội thảo có TS. Phú Văn Hẳn – Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Bà Nguyễn Thị Kim Chi – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang cùng đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.
An Giang là tỉnh có số người Chăm Islam cư trú nhiều nhất nước ta. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh An Giang, hiện nay, toàn tỉnh có 15.327 đồng bào Chăm Islam sinh sống với 8 làng Chăm, 12 thánh đường và 13 tiểu thánh đường. Người Chăm Islam với những nét văn hóa độc đáo đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa sinh động, đa sắc màu cho tỉnh An Giang và cả nước nói chung. Việc nghiên cứu các giá trị văn hóa Chăm Islam nhằm phục vụ phát triển du lịch là một trong những nhu cầu thiết yếu trong xu thế hiện nay. Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm trong phát triển du lịch” đã giải quyết những vấn đề thiết yếu mang tính thực tiễn cao.



Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày nhiều tham luận liên quan đến việc xác định các giá trị văn hóa Chăm Islam, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Chăm Islam để phục vụ du lịch, so sánh những nét tương đồng và khác biệt giữa văn hóa Chăm Islam ở An Giang và văn hóa Chăm khu vực Miền Trung.
Phát biểu kết luận, PGS,TS. Võ Văn Thắng đánh giá cao đóng góp của các nhà khoa học đối với Hội thảo. Những nghiên cứu nghiêm túc của các nhà khoa học thể hiện qua các tham luận, các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã góp phần rất lớn vào việc nhận diện rõ nét, định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Chăm An Giang phục vụ phát triển du lịch.
Được biết, Hội thảo này nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Tỉnh “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm trong phát triển du lịch tỉnh An Giang” do PGS,TS. Võ Văn Thắng làm chủ nhiệm.



Chí Hùng – Khoa Sư phạm