Trong hai ngày 21 và 22/12/2018, đại diện cán bộ làm công tác truyền thông của Trường Đại học An Giang đã tham dự Tập huấn công tác truyền thông tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại thành phố Huế.
Tham dự Tập huấn có sự hiện diện của PGS,TS. Lê Hải An – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; PGS,TS. Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT); TS. Nguyễn Viết Lộc – Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT; Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập báo Giáo dục và thời đại cùng gần 300 cán bộ phụ trách công tác thông tin, truyền thông của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm trên toàn quốc.



Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Hải An đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông đối với hoạt động giáo dục và cho rằng “Truyền thông là 1 trong 5 giải pháp cơ bản để ngành giáo dục triển khai hiệu quả Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Theo Thứ trưởng, truyền thông khối các trường đại học là một bộ phận của hoạt động quản trị đại học, là quá trình gắn kết với quản trị thương hiệu nhà trường. Hoạt động truyền thông hướng đến sự phát triển bền vững qua việc xây dựng được hình ảnh và thương hiệu của nhà trường. Trong đó, chú trọng đến chất lượng đầu ra của sinh viên, chất lượng của hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác phát triển, tuyển sinh, việc làm cho sinh viên… Hiện nay, thương hiệu đã trở thành giá trị, là lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu của các trường đại học, và việc xây dựng và phát triển thương hiệu chắc chắn phải được thúc đẩy từ công tác truyền thông.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Hải An yêu cầu các trường đại học cần xác định truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; từ đó chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách của ngành giáo dục đến trực tiếp cán bộ giảng viên, sinh viên và viên chức thông qua nhiều hình thức khác nhau để các chủ trương, chính sách của ngành thực sự đi vào cuộc sống thực tiễn và nâng cao nhận thức cho cán bộ giảng viên, sinh viên và viên chức trong nhà trường. Bên cạnh đó, các trường cần cùng nhau thúc đẩy sự cộng hưởng về truyền thông trong giáo dục đại học để tạo vị thế và thương hiệu cho giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế.





Trong khuôn khổ khóa tập huấn, các đại biểu đã được nghe chia sẻ những kiến thức về: Cách thức xây dựng hình ảnh, thương hiệu, danh tiếng trong trường đại học; tổ chức truyền thông nội bộ; cách tổ chức mạng lưới, kết nối thông tin giữa Bộ GD&ĐT với các cơ sở giáo dục đại học; những vấn đề cần truyền thông về Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và kinh nghiệm của một số trường đại học trong công tác truyền thông.
Anh Thư - TV